‘Bố già’ Hiroshi Fujiwara: ‘Hip-hop và sneaker chính là văn hóa thời trang đường phố’

Nghệ sĩ đa tài Hiroshi Fujiwara cho rằng văn hóa đường phố, đặc biệt là thời trang đường phố trong thời đại hiện tại đã không còn là thứ chỉ thuộc về cộng đồng trượt ván.

Ngoài vai trò nhạc sĩ và nhà sản xuất, Hiroshi Fujiwara còn được biết đến là một trong những cây đa, cây đề của làng thời trang của xứ sở mặt trời mọc. Từ năm 18 tuổi, ông đã trở thành ngôi sao sáng tạo hàng đầu của Tokyo với thế mạnh về phong cách thời trang đường phố Harajuku.

Hiroshi Fujiwara là một nhạc sĩ, nhà sản xuất và nhà thiết kế người Nhật Bản

Sau đó, ông tiếp tục chứng minh được sức ảnh hưởng của mình với giới mộ điệu khi trở thành cha đẻ của phong cách thời trang Ura-Harajuku và gây được sự chú ý trên toàn cầu. Là một trong những người chứng kiến được vật đổi sao dời trong ngành công nghiệp thời trang đường phố, Hiroshi Fujiwara đã khẳng định rằng khái niệm streetwear ngày nay đã thực sự khác xưa.

Phong cácch Ura-Harajuku được khai sinh bởi “bố già” Hiroshi Fujiwara và đến nay vẫn được đông đảo giới trẻ Nhật Bản yêu thích.

“Điều đầu tiên khiến tôi nhớ đến mỗi khi nhắc đến streetwear chính là nhãn hiệu Vision – quần áo cho dân trượt ván (skaters). Thời trang đường phố trong hình dung của tôi chính là xuất phát từ môn thể thao này” – Nhà thiết kế chia sẻ.

Bên cạnh đó, với ông thì đường phố còn là sân đấu của giới yêu thích môn ván trượt cho nên khi nhắc đến từ khóa này. Ông cho biết thời đại hoàng kim của bộ môn trượt ván thì thời trang đường phố sẽ luôn gắn liền với hình ảnh những tay trượt ván điêu luyện, phong cách bụi phủi và các thiết kế phá cách đầy cá tính.

Bộ môn trượt ván đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc lan tỏa nguồn cảm hứng thời trang đường phố qua nhiều thế hệ

Song, ông Fujiwara cũng cho rằng câu chuyện đó đã không còn phù hợp khi đặt vào bối cảnh hiện nay. Thực tế, môn ván trượt giờ chỉ còn là biểu tượng lịch sử khi nói đến thời trang đường phố. Bởi lẽ, streetwear của thế kỷ 21 đã dần chuyển mình. Và trong những năm gần đây, khi nói về streetwear thì chính là nhắc đến văn hóa hiphop và giày sneaker.

Văn hóa hiphop cũng có nhiều đóng góp trong công cuộc “lăng xê” các items streetwear

Có thể thấy, cuộc chơi của những ông lớn trong ngành thời trang đường phố cũng đã không còn ở cục diện cũ, nhất là khi các item streetwear đã phủ sóng khắp mọi phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Đối tượng khách hàng được mở rộng và các sản phẩm cũng dần đa dạng hơn. Nổi bật nhất trong giai đoạn hiện nay chính là những màn collab sneaker đình đám, sự cộng hưởng với văn hóa rap, hiphop đã giúp thời trang đường phố thực sự bước sang chương mới.

Từ các thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng đến những ngôi sao giải trí hàng đầu đều liên tục cho ra mắt những sản phẩm collab đậm chất thời trang đường phố.

Hàng loạt “ông lớn” trong làng thời trang cao cấp đã liên tục ra mắt những đôi sneaker collab với các tên tuổi streetwear nổi tiếng. Thời gian gần đây có thể kể đến như nhà mốt nước Ý Miu Miu kết hợp cùng New Balance với thiết kế giày 574 all-white, Off-White bắt tay cùng Nike với đôi giày Air Force 1 Mid – một trong những thiết kế còn giữ âm hưởng của nhà thiết kế Virgil Abloh sau khi ông qua đời, Rick Owens Drkshdw x Converse Drkstar High Tops,…

Miu Miu x New Balance 574
Off-White x Nike Air Force 1 màu “University Gold”

Tất nhiên không thể thiếu những màn collab đình đám, khi các ngôi sao nổi tiếng gắn tên mình trên những đôi sneaker như Cardi B x Reebok, G-Dragon x Air Force 1 với biểu tượng hoa cúc từng tạo nên cơn sốt của giới trẻ trên thế giới, Pharrell Williams x adidas tạo nên hiện tượng năm 2016 với thiết kế giày tông màu nổi bật cùng hoa văn bắt mắt.

Đôi giày với biểu tượng hình hoa cúc trắng từng “gây bão” khi G-Dragon hợp tác với Nike
Nữ ca sĩ gen Z – Billie Eilish có màn collab chấn động với đôi Air Jordan 1 KO và Air Jordan 15

Mặt khác, ông Hiroshi Fujiwara chia sẻ rằng bản thân không đánh giá cao những sản phẩm streetwear của các thương hiệu cao cấp: “Tôi không nghĩ thời trang cao cấp và streetwear sẽ hợp nhất, và nó không nên như vậy. Tôi cảm thấy sẽ tốt hơn nếu như những cái tên lớn dần thấy nhàm chán với các sản phẩm gọi là thời trang đường phố của họ và chấp nhận chuyển tiếp sang một xu hướng khác phù hợp hơn”. Tuy nhiên, ông nghĩ tất cả sự thay đổi này mang tính thời cuộc và mỗi item streetwear sẽ mãi gắn liền với những dấu ấn của thời đại mà nó được sinh ra.

Có lẽ, đây cũng là cách vận hành giúp ngành công nghiệp thời trang đường phố luôn bắt kịp được những xu hướng hiện đại và gây dấu ấn mạnh mẽ trong lòng giới mộ điệu. Dù mang kiểu dáng, màu sắc, hoa văn nào đi chăng nữa thì streetwear vẫn luôn được giới trẻ đón nhận nhiệt tình và có sức hút khó cưỡng của riêng mình.