5 cái ‘KHÔNG’ làm nên thành công của văn hóa thời trang đường phố

Thời trang đường phố ngày nay đã dần trở thành nét văn hóa đặc trưng và để có được bản sắc riêng biệt ấy streetstyle đã bắt nguồn bằng những cái “không”.

Phong cách đường phố được khởi xướng một cách âm thầm, bởi óc duy mỹ của những nghệ sĩ không màn đến danh tiếng. Nhưng nhờ sự gần gũi với nhịp sống đời thường, kết hợp với tính nghệ thuật, không giới hạn về sáng tạo đã từng bước đưa streetstyle trở thành một nét văn hóa độc đáo.

Phong cách thời trang đường phố của giới trẻ Hàn Quốc trong Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2022

Không có định nghĩa tuyệt đối

Chuyên trang Hypebeast từng đưa ra một khái niệm “tạm” cho streetstyle là “fashionable, casual clothes” – hợp mốt và những món đồ ngày thường mà bạn mặc. Điều này như ngầm khẳng định, đôi khi chính outfit bạn đang diện lúc đọc bài báo này cũng có thể gọi là streetstyle đấy!

Những món đồ đơn giản, quen thuộc mà bạn diện hằng ngày cũng chính là streetstyle của riêng bạn.

Cũng như bao nhiêu người yêu thời trang đường phố khác, tín đồ streetstyle sẽ rất vất vả nếu bắt đầu tìm hiểu phong cách này qua những khái niệm hay định nghĩa. Internet sẽ cho bạn muôn vàn câu trả lời thú vị về thời trang đường phố nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ có một khái niệm nào có thể mô tả một cách đầy đủ nhất. Bởi lẽ, streetstyle luôn muôn hình vạn trạng và người theo đuổi phong cách này cũng chưa từng muốn mình bị dán mác trong một định nghĩa chung chung nào cả.

Thời trang đường phố không giới hạn về phom dáng, cách phối màu sắc, phụ kiện,… nên không bao giờ gói gọn trong bất kì định nghĩa chính xác nào cả.

Không quan trọng đúng hay sai

Ngay tại New York – một trong những cái nôi đình đám của thời trang đường phố, bạn cũng dễ thấy sự đa dạng của streetstyle. Không chỉ có hoodie phom rộng, quần ripped-jeans ống thụng, đôi sneaker bụi phủi hay những chiếc mũ lưỡi trai, mũ trùm bụi bặm. Thời trang đường phố ngày nay thực sự là một thế giới mở, chào đón tất cả sự sáng tạo, từ cao cấp đến bình dân như Louis Vuitton, Balenciaga, Off-White hay Nike, Palace, Supreme, Jordan.

Streetstyle của tín đồ Louis Vuitton xuất hiện trong những outfit cá tính của nhà mốt nước Pháp

Một thứ nữa đã khiến thời trang đường phố trở nên cuốn hút chính là phong cách unisex. Không có sự phân biệt về giới tính. Thật thú vị khi bạn có thể thỏa ý mix một bộ đồ theo sở thích của riêng mình mà không có bất cứ giới hạn nào. Nếu ví von xu hướng thời trang là một bản nhạc thì streetstyle chính là những ô nhạc với những nốt thăng, giáng đầy ngẫu hứng khiến người ta phải trầm trồ.

Tại địa hạt thời trang đường phố, không có bất kì khuôn khổ hay quy tắc nào. Thay vào đó, người mặc sẽ được trao quyền sáng tạo ra phong cách của riêng mình.

Không đại trà

Thời trang đường phố tập trung vào dấu ấn cá nhân hơn là sản xuất số lượng lớn để phục vụ đông đảo khách hàng. Thậm chí, nhiều nhãn hàng đã tận dụng văn hóa camp (xếp hàng chờ đợi đến lượt mua sản phẩm mới) và resell (mua lại một món đồ đã cháy hàng hoặc chưa restock).

Theo thống kê của PwC network năm 2019, hơn một nửa người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng xếp hàng chờ một sản phẩm thời trang đường phố mới ra mắt, chứng minh streetstyle vẫn có sức hút mạnh mẽ với người yêu thời trang sau 2 thế kỷ. Thậm chí nhiều thương hiệu còn đánh mạnh vào tâm lý “săn lùng”, nếu không thể mua item nào đó ở lần ra mắt đầu tiên thì có thể bạn sẽ phải chờ rất lâu hoặc chấp nhận mua lại sản phẩm ấy qua các kênh bán không chính thức khác, cụ thể là các reseller nhưng với mức giá cao hơn rất nhiều.

Cách các thương hiệu tạo dấu ấn riêng qua những item mới luôn thu hút đông đảo tín đồ thời trang. Trong đó, văn hóa “camp” – chờ đợi để có thể được mua những item đầu tiên ngay khi nó vừa được ra mắt – từ lâu đã trở thành hoạt động quen thuộc với người yêu phong cách đường phố.

Ngoài ra, sân chơi không giới hạn mà streetstyle mang lại cũng góp phần tạo nên nét độc đáo, khi mỗi người có thể tự làm nhà tạo mẫu bằng cách mix & match những món đồ basic và tạo nên các bộ outfit độc bản.

Cách biến tấu dựa trên những items quen thuộc bằng cách phối với các món phụ kiện, màu sắc lạ mắt chính là cách streetstyle khẳng định tính độc bản cho người mặc.

Không ngừng thăng hoa 

Ngay từ khi manh nha từ cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90, phong cách thời trang đường phố đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới mộ điệu. Sự cộng hưởng với tinh thần underground của những rapper nổi tiếng đã trở thành xúc tác “đúng người, đúng thời điểm” và giúp cho phong cách này ngày càng phổ biến hơn.

Nhóm rapper nổi tiếng Run-D.M.C đã góp phần tạo nên những cú hích đầu tiên, lăng xê phong cách đường phố bằng phong cách âm nhạc của mình.
A$AP Rocky xuất hiện trong outfit đậm chất bụi phủi, được mix&macth từ những thiết kế của Raf Simons theo phong cách đường phố.

Nhà mốt streetstyle nổi tiếng Supreme được vinh dự nhận danh hiệu “nhà thiết kế của năm” tại lễ trao giải CFDA Awards 2018, vượt mặt cả những ông lớn như Calvin Klein, Tom Ford. Chỉ với việc làm ra những thiết kế độc đáo cho giới lướt ván gồm quần áo, phụ kiện mà Supreme đã vùng lên thành thương hiệu tỷ đô với số doanh thu đáng mơ ước. Chính điều này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thương hiệu streetwear, khiến giới mộ điệu có cái nhìn khác với những item đậm chất đường phố.

Đế chế streetwear tỷ đô của Supreme luôn là một câu chuyện truyền cảm hứng cho những ai yêu thích phong cách đường phố.

Từ đường phố lên sàn diễn thời trang danh giá, những món đồ streetwear ngày càng xuất hiện đều đặn hơn trong các bộ sưu tập của những nhà mốt danh giá. Các thương hiệu xa xỉ cũng dành nhiều tâm tư hơn cho các sản phẩm cộp mác streetstyle của mình. Đơn cử có Louis Vuitton, Dior và Gucci đang tận dụng triệt để phong cách monogram cho dòng ready-to-wear và xem đây là một trong những sản phẩm chủ lực trong giai đoạn hiện tại.

“Ông lớn” Gucci cũng thể hiện sự quan tâm tới những kiểu họa tiết từng một thời gắn liền với văn hóa thời trang đường phố như phong cách monogram đầy cá tính.

Và quan trọng nhất… 

Không bao giờ lỗi thời

Dù xưa hay nay, streetstyle vẫn luôn hiện hữu và gắn liền với văn hóa của giới trẻ. Đặc biệt là gen Z, những người trẻ với khao khát thể hiện cá tính riêng, không muốn trở thành một bản sao của bất kỳ ai. Đây vừa là nhóm khách hàng tiềm năng, vừa là những nhân tố tiềm năng có sức ảnh hưởng đến nền văn hóa đường phố trong nhiều năm tới.

Trên các nền tảng xã hội, local brand (thương hiệu trong nước) và global brand (thương hiệu quốc tế) đều phát triển với tốc độ cực nhanh và ngày càng mở rộng phạm vi, với khách hàng mục tiêu là giới trẻ. Và để thích nghi với cá tính ưa thích cái mới, hội chứng FOMO (Fear of Missing out – sợ bỏ lỡ) thì các sản phẩm cũng phải thay da đổi thịt liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng. Chính điều này đã thúc đẩy các nhà thiết kế càng quyết liệt với những sáng tạo của mình hơn nữa.

Các thiết kế mới ngày càng tập trung vào cá tính hơn bắt trend, nhiều thương hiệu chọn lối đi riêng bằng màu sắc, một số khác lại ưa thích cách chơi đùa với họa tiết và những nhà mốt đam mê với sự phá cách, thoát khỏi giới hạn phom dáng. Có lẽ vì vậy mà 2/3 số người tham gia khảo sát của PwC network cho rằng những món đồ streetwear mà họ mua chưa bao giờ lỗi mốt. Bởi món quần áo, phụ kiện họ chọn cho phong cách đường phố của mình thường dựa trên yếu tố cá tính riêng hơn xu hướng chung. Đó cũng là cách văn hóa thời trang đường phố giữ lửa dù đã đi qua hơn 2 thế kỷ.